TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY QUÝT THEO PHƯƠNG PHÁP TƯỚI NHỎ GIỌT CUỐN GỐC
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang dần phát triển tại Việt Nam. bắt đầu từ các dòng cây ngắn hạn như hoa kiểng, rau củ, các loại dưa trong nhà màng,…đến các loại cây nông nghiệp chính như lúa, ngô, khoai, sắn và hiện tại các mô hình trồng cây có múi bằng công nghệ cao cũng đang được áp dụng một cách hiệu quả tại nước ta. Cùng Kaizenagri tìm hiểu mô hình trồng quýt công nghệ cao bằng phương pháp tưới nhỏ giọt cuốn gốc qua bài viết dưới đây nhé.
THỜI VỤ TRỒNG QUÝT
Quýt là loại cây dễ trồng, có thể trồng quanh năm, nhưng để cho năng suất cao và cây dễ sống thì bạn nên trồng vào các thời điểm sau:
- Vụ xuân: Tháng 2 – 3 dương lịch
- Vụ hè: Tháng 4 – 5 dương lịch
- Vụ thu: Tháng 8 – 10 dương lịch
Trước khi tiến hành trồng bà con cần đào hố rộng 60 – 80cm, sâu 60cm sau đó phơi ải hố từ 20 – 25 ngày. Trộn phân chuồng đã được ủ hoai mục, kali, lân, vôi bột cùng với đất đào hố rồi cho hỗn hợp xuống hố trồng. Bà con nông dân nên mua cây giống quýt ở viện nông nghiệp để đảm bảo tốt nhất. Khi trồng dùng dao sắc rạch và bỏ túi nilon, lấy cuốc đào hố trồng, đặt bầu cây ngang với mặt đất lồi, chỉnh thân cây thẳng, mắt ghép quay về hướng gió chính, vun đất nén chặt xung quanh. Ủ rơm rạ xung quanh gốc một lớp dày 10 -15 cm để giữ ẩm tốt. Cắm cọc buộc cố định cây để tránh gãy đổ. Tưới nước đảm bảo giữ ẩm cho cây sau khi trồng (10-15 lít nước/gốc).
KHOẢNG CÁCH TRỒNG QUÝT
Khoảng cách cây: Tùy vào diện tích, địa hình trồng mà bà con có thể trồng quýt với mật độ, khoảng cách khác nhau, chẳng hạn:
- Mật độ 625 cây/ha; khoảng cách 4,5 x 3,5m
- Mật độ 833 cây/ha; khoảng cách 3 x 4m
- Mật độ 400 cây/ha; khoảng cách 5 x 5 m
- Mật độ 625 cây/ha; khoảng cách 4 x 4 m
Khoảng cách lối đi: Khoảng cách lối đi trồng quýt dao động từ 3 – 5m tùy vào chủ trồng. Khoảng cách cần đủ rộng để đảm bảo việc đi lại để chăm sóc cây: làm cỏ, vun xới, bón phân thu hoạch… được thuận tiện, không bị cản trở, vướng víu.
Khoảng cách bố trí hệ thống tưới nhỏ giọt: Phần lớn các hộ trồng quýt hiện nay đều sử dụng tưới nhỏ giọt cho quýt bằng cách quấn ống/dây tưới quanh gốc từ 2 – 3 vòng. Trên ống tưới, dây tưới sẽ có các mắt tưới nhỏ với khoảng cách 15 – 20cm/ mắt tưới. Thiết kế đặc biệt giúp nước tưới được phân tán đều xung quanh rễ quýt, giúp cây có đủ nước sinh trưởng và phát triển tươi tốt. Tham khảo các loại dây tưới nhỏ giọt tại danh mục: Ống tưới nhỏ giọt.
ĐỘ ẨM VÀ LƯU LƯỢNG NƯỚC TƯỚI CHO QUÝT THEO GIAI ĐOẠN
Lúc cây con: Quýt sau khi mới trồng cần được tưới nước ngay, tưới ít nhất từ 8 – 10 lít nước cho mỗi gốc. Sau đó liên tục trong 1 tháng, bạn cần đảm bảo tưới 2 – 3 ngày/lần cho quýt con, có như vậy bộ rễ của quýt mới nhanh chóng thích nghi và đâm rễ phát triển mạnh, sinh trưởng tốt. Nếu thời tiết mưa thì bạn không cần tưới nước cho quýt, cần chú ý nếu mưa nhiều thì cần làm rãnh để tiêu nước, bởi quýt dễ bị thối gốc nếu bị úng nước.
Lúc cây trưởng thành: Trong giai đoạn cây trưởng thành, cũng tùy thời điểm mùa khô hay mùa mưa bạn tính toán lượng nước tưới cho phù hợp. Nếu vào những ngày thời tiết khô, thì trung bình khoảng 1 tuần nên tưới 1 lần cho quýt, đảm bảo độ ẩm của đất đạt từ 50 – 60%. Thời kỳ cao điểm khô hạn thì khoảng 4 – 5 ngày tưới/lần để tránh quýt bị khô héo.
Thời kỳ quýt ra hoa, chuẩn bị đậu trái, để cây ra hoa đồng loạt, tăng tỷ lệ thụ phấn và đậu trái cần tiến hành xử lý ra hoa bằng cách ngưng tưới nước, nếu trồng trên mô, cần rút nước khỏi mương. Khi thấy cây héo thì tiến hành tưới nước để cây bung đọt, ra hoa, như vậy tỉ lệ đậu quả sẽ cao hơn nhiều.
Song song với quá trình cung cấp nước cho quýt thì bà con cũng cần chú ý bón đầy đủ phân bón cho cây, vì phân bón cũng là nhân tố ảnh hưởng đến khả năng đậu quả và chất lượng quả quýt. Dựa vào chất đất tốt – xấu mà lượng phân bón sử dụng phù hợp, giúp cây nuôi quả tốt nhất.
Lúc sắp thu hoạch: Thời điểm sắp thu hoạch quýt khoảng nửa tháng, bạn nên dừng tưới nước cho quýt. Điều này sẽ đảm bảo trái quýt được ngọt và đậm vị hơn.
ƯU ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG TƯỚI NHỎ GIỌT CHO QUÝT
Phương pháp tưới nhỏ giọt cho diện tích trồng quýt mang nhiều ưu điểm:
Tăng sản lượng thu hoạch: Nhờ được cung cấp nước đầy đủ, kiểm soát lượng nước trong từng giai đoạn phát triển của cây mà quýt phát triển tốt, đậu quả nhiều, tăng sản lượng thu hoạch từ 1.3 – 1.4 lần so với tưới nước theo phương pháp truyền thống. Điều này giúp bà con trồng quýt cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, có thể làm giàu từ trồng quýt.
Hạn chế cỏ dại, sâu bệnh: Nước tưới được cung cấp vừa đủ quanh gốc quýt, bởi vậy hạn chế cỏ dại mọc xung quanh, hạn chế nước dính vào lá thân quýt – phát sinh ra các mầm bệnh hại cây trồng, làm giảm năng suất thu hoạch quýt.
Tiết kiệm sức lao động: Nếu như trước đây, để tưới nước cho diện tích vài ha quýt thì chủ hộ trồng phải mất đến vài ngày hoặc cần thuê nhân công thì giờ đây với mô hình tưới nhỏ giọt thông minh, người trồng chỉ cần điều khiển hệ thống tưới bằng tay, mở van xả nước, nước từ bể chứa sẽ tự động theo các ống tưới chảy đến từng gốc cây, lưu lượng nước được điều chỉnh theo mong muốn của người trồng. Người trồng có thể cài đặt chế độ hẹn giờ tưới, nói chung gần như không cần tốn công sức nhiều mà rất nhanh chóng nước đã được cung cấp đến từng gốc quýt để cây phát triển khỏe mạnh.
Tiết kiệm nước, phân bón: Phương pháp tưới nước truyền thống cho quýt trước đây thương là tưới tràn, sử dụng vòi phun nước tưới dạng phun mưa, dưới áp lực mạnh của nước, đất quanh gốc quýt thường dễ bị xói mòn, rửa trôi, phân bón theo đó cũng bị cuốn đi rất lãng phí. Tưới nhỏ giọt, nước chảy nhỏ giọt và thẩm thấu vào đất, giữ ẩm lâu, và đặc biệt không làm xói mòn đất. Ước tính tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được 50% lượng nước và 30% lượng phân bón.
THỜI GIAN THU HOẠCH QUÝT
Kể từ lúc ra hoa thì sau khoảng 7 – 9 tháng quýt sẽ cho thu hoạch. Dấu hiệu nhận biết quýt được thu hoạch là khoảng 30 – 40% vỏ quýt chuyển sang màu vàng cam. Bà con nên thu hoạch quýt vào những ngày nắng ráo, tuyệt đối không thu hoạch vào những ngày mù sương hoặc sau mưa vì như thế trái quýt rất dễ bị thối, chất lượng quả không được đảm bảo. Khi thu hoạch cần nhẹ nhàng, đặt giấy báo lót lên thùng xốp, để quả vào tránh dập nát. Thu hoạch xong cần nhanh chóng vận chuyển quýt đến nơi tiêu thụ.
GIẢI PHÁP TƯỚI NHỎ GIỌT CUỐN GỐC CHO CÂY QUÝT CỦA KAIZENAGRI SO VỚI THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY:
Nhiều đơn vị cung cấp thiết bị tưới và người trồng có lòng tin mãnh liệt rằng quấn gốc là giải pháp duy nhất để tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả như cam, bưởi… vì phương pháp này kết hợp giữa hiện đại (công nghệ tưới nhỏ giọt) và truyền thống (tưới xung quanh tán, nơi rễ tập trung nhiều nhất), đặc biệt những khu vực lên đất đắp ụ để trồng cây.
Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của giải pháp tưới cuốn gốc là rất nhanh tắc. Nhiều hệ thống mới chỉ vận hành sau vài tháng đã bị tắc và phải gỡ bỏ. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy các nguyên nhân sau đây làm các hệ thống tưới cuốn gốc đang áp dụng phổ biến trên thị trường nhanh bị tắc :
- Dây nhỏ giọt cuốn gốc có đường kính nhỏ (6mm hoặc 8mm), đây là loại dây chủ yếu phục vụ cho tưới cảnh quan, không có cơ chế tự chống tắc nên nguồn nước sử dụng phải sạch. Khi sử dụng dây nhỏ giọt này trong nông nghiệp, nguồn nước nhiều khi không đảm bảo, cộng thêm với việc tưới kết hợp bón phân nên dây nhỏ giọt loại nhỏ này rất nhanh bị tắc.
- Dây nhỏ giọt dùng để cuốn gốc không có bù áp, để đảm bảo lưu lượng tưới đều cho các cây trên vườn, các đơn vị cung cấp thiết bị tưới bổ sung thêm 1 đầu nhỏ giọt có bù áp dạng bấm. Tuy nhiên cơ chế của tưới nhỏ giọt là áp suất đầu ra của đầu nhỏ giọt là = 0, do đó nước sau khi qua đầu nhỏ giọt, đi vào dây nhỏ giọt cuốn gốc không có áp lực dòng chảy. Không có áp lực trong đường ống sẽ làm cho quá trình lắng cặn diễn ra nhanh hơn dẫn đến đầu nhỏ giọt nhanh bị tắc.
- Xả cuối đường ống thường xuyên là công việc quan trọng nhất để chống tắc, kéo dài tuổi thọ của hệ thống. Các hệ thống tưới cuốn gốc này không được nối trở lại đường ống cấp nước dọc theo luống mà bịt đầu cuối lại. Việc này dẫn đến hạn chế là chủ vườn không thể đi xả cuối vòng cuốn gốc theo định kỳ dẫn đến hệ thống nhanh bị tắc.
Để giải quyết các tồn tại này, KaizenAgri đã phát triển hệ thống tưới cuốn gốc sử dụng dây nhỏ giọt có bù áp, đường kính 12mm với các đặc điểm chính như sau :
- Sử dụng dây tưới bù áp Topdrip của Naandanjain, công ty lâu đời nhất tại Israel với hơn 80 năm kinh nghiệm trong ngành tưới với các thông số chính như sau :
+ Đường kính dây nhỏ giọt: 12mm
+ Độ dày thành ống: 0.8mm (32mil)
+ Khoảng cách đầu nhỏ giọt: 20cm, 30cm
+ Lưu lượng đầu nhỏ giọt: 1.6L/h
+ Cơ chế bù áp, tự làm sạch, chống hút ngược
- Điểm đầu và điểm cuối của dây nhỏ giọt cuốn gốc được kết nối trực tiếp với đường ống LDPE để tạo thành dòng chảy lưu thông và đẩy cặn về cuối đường ống LDPE của hàng cây.
Đặc biệt hơn cả là phương pháp tưới quấn gốc mà KaizenAgri thực hiện dễ tháo lắp để giúp bà con làm cỏ xung quanh khi lên cao và mở rộng vòng quấn theo kích cỡ phát triển của cây trồng.
Ưu điểm :
- Các điểm nhỏ giọt trên dây cuốn gốc tự có cơ chế bù áp nên nước ra đều ở tất cả các điểm quanh vòng cuốn gốc.
- Do dây nhỏ giọt có cơ chế bù áp nên không cần bổ sung đầu nhỏ giọt bù áp dạng bấm. Thêm vào đó, điểm cuối vòng cuốn được kết nối trở lại đường ống cấp nước nên áp suất làm việc trong dây nhỏ giọt bằng với áp suất làm việc trong đường ống cấp nước tạo ra dòng chảy lớn, đẩy cặn về cuối đường ống cấp nước.
- Đường ống dây nhỏ giọt lớn cộng với cơ chế chống tắc của đầu nhỏ giọt và vận tốc dòng nước lớn nên hạn chế được sự lắng cặn làm tắc đầu nhỏ giọt.
Công ty TNHH Nông Nghiệp Kaizen là nhà phân phối chính thức của Naandanjain tại Việt Nam, công ty có lịch sử lâu đời nhất trong ngành tưới tại Isarel. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch vụ , thiết bị cho nghành tưới bao gồm: tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công, lắp đặt hệ thống tưới.
Khách hàng có nhu cầu xin vui lòng liên hệ:
Văn phòng: Số 15 – NV8, Tổng cục 5 – Bộ Công An, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.
Hotline: 086 6030909 – 024 320 53699 (Facebook, Zalo, whatsApp,…)
Website: www.kaizenagri.com